***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
3h00 chiều thứ Bảy, 19/11/2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê Thứ Bảy
////////////////////////////
LỜI TỰA
Các bạn thân mến,
Năm 2008, Bắc Kinh đã vượt qua bốn thành phố Toronto, Paris, Istanbul và Osaka để trở thành nơi đăng cai cho Thế vận hội mùa hè lần thứ 29. Có tất cả 37 khu thi đấu được sử dụng cho các sự kiện thể thao, và trong 12 công trình xây mới, Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh được coi như biểu tượng của Thế vận hội. Ngoài các cuộc tranh tài trong vòng 17 ngày, nơi đây còn diễn ra lễ khai mạc và bế mạc của sự kiện.
Để chứng tỏ sức mạnh của một đất nước đang trên đà phát triển nhất thế giới, chính phủ Trung Quốc đã mời những kiến trúc sư “ngôi sao” thi tài thiết kế sân vận động quan trọng nhất của mình. Hai kiến trúc sư Thụy Sỹ, Jacques Herzog và Pierre de Meuron của văn phòng kiến trúc “Herzog & de Meuron” đã giành chiến thắng tại cuộc thi này. Sân vận động mang biệt danh “Tổ chim” của họ đã hoàn toàn chinh phục người dân Trung Quốc.
Ngày 19 tháng 11 tới đây, CLB Điện ảnh Kiến trúc trân trọng giới thiệu tới các bạn bộ phim “Tổ chim – Herzog & de Meuron ở Trung Quốc” (Bird’s Nest – Herzog & de Meuron in China) của hai đạo diễn Christoph Schaub và Michael Schindhelm. Trong vòng bốn năm với tám lần tới Trung Quốc, hai đạo diễn đã rất kỳ công ghi lại những hình ảnh từ nhát cuốc đầu tiên tới khi hoàn thành công trình sân vận động.
Nhưng bộ phim không chỉ nói tới việc xây dựng sân vận động. Là những kiến trúc sư luôn đặt “văn hóa” làm trọng tâm trong công việc sáng tác của mình, Jacques Herzog và Pierre de Meuron không khỏi bỡ ngỡ khi làm việc tại Trung Quốc. Để bù đắp những hiểu biết còn hạn chế về đất nước này, họ đã phải nhờ đến những nhân vật sâu sắc khác như Đại sứ Thụy Sỹ tại Trung Quốc Uli Sigg và đặc biệt nghệ sĩ đương đại đầy tai tiếng Ai Weiwei (Ngải Vị Vị). Anh là chiếc “chìa khóa” quan trọng cho sự thành công của công trình. Bộ phim đã diễn tả một cách tinh tế vai trò của từng người cho sự thành công đó.
Cũng chính từ lời giới thiệu của Ai Weiwei mà hai kiến trúc sư theo một số nghiên cứu khác đồng thời với việc xây dựng sân vận động, như là quy hoạch mới hoàn toàn một khu phố ở tỉnh Jinhua cho 300’000 người. Bộ phim cho chúng ta thấy văn hóa và lối sống của người dân đã ảnh hưởng tới cách tiếp cận đồ án của hai kiến trúc sư như thế nào.
Nhân đây cũng là cơ hội để chúng ta thảo luận về những triết lý kiến trúc của hai kiến trúc sư hàng đầu Thụy Sỹ này. Chơi với nhau từ thủa bé (cả hai sinh năm 1950) và cùng ước mơ trở thành kiến trúc sư, Jacques Herzog và Pierre de Meuron luôn đặt lại câu hỏi về những qui tắc và luật định trước đó. Thời điểm xây dựng sân vận động cũng là thời gian mà hai người đang tìm tòi đưa ra triết lý mới về “trang trí” (ornament), loại hình thức mà các kiến trúc sư thời “hiện đại” muốn xóa bỏ. Các ông muốn nhìn nhận lại nó và tạo ra sự liên hệ giữa “trang trí – kết cấu – không gian” (ornament – structure – space). Tất nhiên, trong nhiều năm thực hành, họ còn đưa ra nhiều luận điểm “táo bạo” khác như: công trình kiến trúc là một “đồ vật” đứng riêng lẻ trong khu vực hay tạo ra các hình thái kiến trúc phức tạp để phá bỏ thói quen “hình hộp” đơn điệu của kiến trúc Thụy Sỹ...(!)
“Tổ chim – Herzog & de Meuron ở Trung Quốc” luôn được đánh giá là một phim tài liệu hay về kiến trúc. Chúng ta sẽ gặp lại một lần nữa cách làm phim rất riêng của đạo diễn Christoph Schaub. Chính ông cũng là tác giả của bộ phim “Hành trình của Santiago Calatrava” đã được trình chiếu tại CLB vào ngày 17 tháng 9 vừa qua.